Da sáp hiện đang rất được yêu thích tại thị trường Việt Nam, không chỉ bởi mẫu mã đa dạng, bền mà còn có chi phí rất hợp với túi tiền phần đông của người Việt ta, hiện tại Da sáp được chia làm 2 loại chủ yếu là sáp láng và sáp mill, chúng có đặc điểm như thế nào, ưu nhược điểm ra sao thì hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

1 .Khái niệm da sáp

Da sáp là 1 loại da được thuộc bằng hoá chất (chrome tan), sau khi thuộc, công đoạn cuối da sẽ được chà 1 lớp sáp, sáp nhiều/ít, sáp khô/ sáp ướt, độ dày/mỏng, đanh/mềm đều tuỳ thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng.

Đặc trưng dễ nhận thấy của da sáp là bề mặt da nhám, mờ, và rất dễ trầy. Dùng móng tay cào NHẸ ở 1 góc da sẽ thấy da xước trắng lên, dùng da đầu ngón tay chà miết nhiều lần, vết trầy sẽ mờ đi trông thấy.

Da sáp thường có mùi sáp đặc trưng so với những da khác. Da sáp có cấu tạo lỗ chân lông hở, không đc sơn, phủ màu kín như da sơn, nappa, nên da rất dễ thấm nước. Khi đốt bạn sẽ nghe thấy mùi khét bánh quy (mùi sáp cháy), trong khi đa số những loại da khác đốt lên sẽ nghe mùi tóc cháy.

2. Da sáp láng

Đây là loại da được người ta chà hoặc bào mòn để da không còn vân láng bóng và không còn lỗi không đều trên da. Loại này có thể được người ta chế tác thêm vân, lỗ hoặc hạt… cũng có thể để láng nguyên còn tùy và mục đích sử dụng


3. Da sáp mill

Ngược lại với da sáp láng loại này lại được để nguyên vân kể cả vết thẹo hoặc vết côn trùng cắn. Thông thường loại da này được người ta chọn lọc từ những con (bò, ngựa…) có bề mặt da đẹp còn những con không được chọn thì mới chuyển sang làm da láng hoặc các loại da khác

Về cơ bản để phân biệt các loại da láng in hạt với các loại da mill vân tự nhiên cũng không khó lắm. Bạn chỉ cần nhìn tổng thể bề mặt da và chú ý vào sự phân bổ các lớp vân. Nếu da mill thì sự phân bổ này hoàn toàn do tự nhiên nên không đều (ví như các cị trí ở hang, bụng, nách, một phần cổ sẽ ít vân hơn…) còn da được in hạt là do con người làm dập khuôn nên sẽ đều hạt như nhau.

4. Da sáp ướt và da sáp khô

Hai loại da sáp trên lại có hai loại da sáp khác nhau nữa đó chính là da sáp ướt và da sáp khô. 

4.1 Da sáp ướt

Da sáp ướt có bề mặt nhờn rít, lượng sáp nhiều nên da nặng, màu sắc của loại này thì đậm hơn và tươi hơn, khi da sáp ướt bị trầy bạn chỉ cần chà chút là da sẽ về màu rất dễ.

Loại này sẽ không bị đổi màu khi bạn bóp hoặc bẻ và nó được xem là sáp ướt dòng phổ thông

Còn nếu nó bị đổi màu nhiệt tình hơn mức bình thường với bề mặt vẫn nhám thì đó lại là da sáp ngựa điên hay còn gọi là da crazy horse. Đừng vội nghĩ nó là da ngựa khi đọc tên nó nhé, nó là da bò hoàn toàn được ưa chuộng trên toàn cầu bởi sự mới lạ, độc đáo, bụi bặm và ấn tượng…

Còn nếu khi tác động vẫn đổi màu nhưng bề mặt da láng hơn thì đó lại là da sáp dầu nhé. Loại này có bề mặt da bóng nhẹ nhàng nhưng tính chất da vẫn dễ trầy và rít. Da loại này có đổi màu nhưng không đổi nhiều như da sáp ngựa điên, tuy thế nhưng nó vẫn được rất nhiều người yêu thích.

4.2 Da sáp khô

Da sáp khô bề mặt chúng có phần láng hơn, da nhẹ hơn hoàn toàn với lượng sáp ít với độ trầy xước tất nhiên là so với sáp ướt thì thấp hơn hoàn toàn (thế nhưng tính chất khi bị chầy vẫn hoàn về trạng thái ban đầu như da sáp ướt), màu sắc của dòng da khô này cũng sẽ không tươi như màu da sáp ướt.

Loại này bị nhần lẫn nhiều nhất với da nubuck bởi nhìn bề mặt khá là giống nhau, cũng đều nhám bề mặt, màu đều và không bị đổi màu. Thế nhưng da sáp khô dễ bị trầy hơn bề mặt bên ngoài sẽ đanh hơn và đặc biệt nó có mùi đặc trưng hơn da buck.

Da sáp khô cũng chia làm vài loại: Loại thường gặp nhất là Da sáp buck, đứa con lai giữa da sáp và da buck. Loại này có bề ngoài đanh, bề mặt thì nhung, mịn và nhẹ. Sờ giống da nubuck nhưng nhẹ hơn hoàn toàn và mọi tính chất đều thuộc về da sáp. Thường thì dòng này ít bị trầy và bề mặt có khả năng thấm hút khá mạnh, và vì nó có dòng máu của da buck nên khá dễ bị nhầm lẫn. Loại này thường được làm giày để kết hợp với quần jean


5. Ưu và nhược điểm của da sáp?

Ưu điểm:

Da sáp luôn có một hình ảnh rất bụi bặm và cá tính, luôn đem đến cái chất riêng trong từng sản phẩm. Da sáp có độ bền bề mặt cao, càng trầy càng đẹp, sản phẩm chịu được va đập thoải mái không sợ xấu đi. Da sáp có hiệu ứng “lên nước” rất rõ, vì da có độ nhám cao, dễ trầy nên để lại nhiều vệt, sau khi lên nước sẽ bóng hơn, nhìn sẽ giống như đồ cổ.

Nhược điểm: 

Chính vì đặc điểm trầy mà đẹp đó mà nhiều người không thích trầy sẽ không thích da sáp ở điểm này. Da sáp nhìn sẽ cũ hơn các da khác do lớp sáp trên bề mặt da.

Da sáp rất dễ bị mốc nếu sử dụng trong môi trường ẩm và không biết cách bảo quản. Da sáp dễ dính màu trên bề mặt áo quần người sử dụng (không ảnh hưởng đến màu sắc sản phẩm) tuy nhiên giặt vẫn ra.

Da có chất sáp nên sẽ khó ăn sơn cạnh (lâu dài dễ bong lớp sơn), vì vậy da sáp thường là để nguyên cạnh hoặc đánh gum.

Bề mặt da nhám tự nhiên nhưng rất nhanh bóng trong quá trình sử dụng hoặc được đánh bóng tuỳ vào con mắt thẩm mĩ của mỗi người.